Không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, dọc mùng sấy khô còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Ban đầu, loại rau dùng để nấu canh chua chỉ có giá 20.000-30.000 đồng một kg. Nhưng khi chế biến thành sản phẩm khô thì có giá lên tới cả nửa triệu đồng. Cũng do ngày càng hiếm nên các nhà máy chế biến ở TP.HCM gần đây đăng thông tin thu mua dọc mùng khô xuất khẩu với số lượng lớn nhưng số lượng hàng về không nhiều. Theo cơ quan này, trước đó, họ có đơn hàng xuất khẩu sang Indonesia, nhưng do cơ quan không đủ hàng khô nên phải gom thêm.
Mục lục
Dọc mùng khô có nhiều công dụng
Cứ vào hè, chị Kim Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) lại ra các khu chợ truyền thống tìm mua dọc mùng sấy khô về nấu kèm các món canh chua, bún. So với loại tươi thì loại dọc mùng sấy khô giá khá đắt, lên tới 300.000 đồng/kg. Nhưng theo chị Oanh, loại sấy khô rất tiện, mỗi lần nấu chỉ cần bỏ ra rửa sạch và chế biến như thường.
“Ngày trước, cứ thèm món canh chua dọc mùng, tôi đều phải ra chợ tìm hàng tươi về chế biến; ăn thì ngon nhưng tốn công làm. Thế nên, tôi chuyển sang dùng dòng khô, chất lượng vẫn thế mà tiện lợi” – chị kể.
Theo chị Oanh, ngày trước, dọc mùng thường sống cạnh các bờ ao, đầm lầy ở các vùng quê; thậm chí, nhiều nhà còn nhổ bỏ. Cách đây 7 – 8 năm, loài cây này mới được để mắt tới; dân mới bắt đầu trồng quy mô và mang ra làm thương mại. Ngoài bán cây tươi cho các quán ăn, nhà hàng, nhiều người còn mang đi sấy khô bán cho thương lái và các công ty thu mua xuất khẩu.
“Dọc mùng có nhiều công dụng; ngoài dùng để nấu ăn còn có thể chữa ho, trừ giun, chữa sởi ở trẻ em. Tuy nhiên, để tránh nguy hại cho sức khỏe, khi chế biến, cần cắt hết phần bụng của dọc mùng; ngâm muối, dùng tay vắt nhẹ, rồi rửa sạch để ráo nước” – chị nói.
Xuất khẩu sang các nước có giá cao
Theo người dân địa phương ở miền Tây, dọc mùng không được trồng đại trà với số lượng lớn như rau xanh; nên người dân đa phần trồng thêm để bán kèm với đồ nấu canh chua. Vì là dùng để bán tươi nên hàng khô trên thị trường không nhiều. Gần đây, có vài cơ sở đi thu gom về sản xuất cũng chỉ mang tính thời vụ và bán trong thời gian ngắn.
Chuyên cung cấp dọc mùng tại chợ đầu mối Thủ Đức, chị Lành cho biết dạo gần đây nhiều cơ sở thu gom dọc mùng để xuất khẩu. Nên lượng hàng tươi cung ứng ra thị trường không nhiều. Vì thế giá dọc mùng tươi cũng tăng thêm 10.000 đồng lên 35.000 đồng một kg. Riêng với dọc mùng khô, nhiều khách đã đề nghị chị cung cấp nhưng vì không có nguồn hàng dồi dào mà giá lại cao nên chị không nhập.
Hiện, trên trang mua bán Amazon của Mỹ, một cây dọc mùng Việt Nam bao gồm cả rễ được rao bán với giá gần 22 USD, tương đương hơn 500.000 đồng. Còn tại các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, một lạng dọc mùng sấy khô có giá 35.000 – 40.000 đồng (chưa bao gồm phí vận chuyển).
Một số chia sẻ về dọc mùng khô
Chị Hoàng Mai, một đầu mối chuyên cung cấp dọc mùng ở Hà Nội cho biết, mỗi tháng, chị đều cung cấp ra thị trường dọc mùng sấy khô 1 -2 tạ. Hàng chủ yếu là bán buôn, đổ sỉ cho các tiểu thương, cửa hàng nhỏ, lẻ.
“Thông thường cứ 5kg dọc mùng tươi sẽ cho 1kg hàng sấy khô. Để đảm bảo chất lượng, giữ hương thơm đều, toàn bộ hàng sẽ được sấy thay vì phơi khô dưới ánh nắng mặt trời” – chị kể.
Ngoài ra, chị Mai còn cho rằng, dọc mùng khô ngoài là đặc sản trong nước; còn được mang đi xuất khẩu ở nhiều nơi như Malaysia, Philippines, Nhật Bản. Ở nước ngoài, chúng thường được ăn kèm với các món như gỏi, thịt nướng, sushi..
“Nhà tôi có 2 loại dọc mùng, một là hàng thông thường có giá 280.000 đồng/kg; còn loại đặc biệt, tuyển chọn là 350.000 đồng/kg. Khách mang về chỉ việc bảo quản nơi khô ráo, đến bữa mang ra dùng.” – chị nhấn mạnh.
Tại một số trang thương mại điện tử ở Việt Nam, dọc mùng khô thường được bán theo lạng với giá từ 30.000 đồng/lạng. Theo quảng cáo của người bán, dọc mùng này sẽ không bị ngứa. Khi chế biến chỉ cần ngâm cho nở, bóp rửa sạch với nước là có thể nấu ăn được ngay.
Nguồn:vietnamnet.vn