Cuối năm ngoái, nhận thấy diễn biến vẫn còn rất phức tạp của đại dịch COVID-19 tại các quốc gia châu Á, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) lo ngại rằng các trận thi đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 tại khu vực này sẽ khó lòng được diễn ra theo dự kiến trước đó. Nguy cơ phải thay đổi thời gian và địa điểm hiện hữu ngày một rõ. Thậm chí, thể thức thi đấu sân nhà – sân khách cũng được các cấp lãnh đạo cân nhắc loại bỏ nhằm hạn chế việc các đội bóng phải di chuyển qua lại nhiều lần.
Theo đó, AFC đưa ra khuyến khích rằng các quốc gia nên thảo luận và cùng nhau đưa ra những phương án thống nhất và thay đổi kịp thời về cách thức và địa điểm thi đấu nhằm phù hợp với diễn biến khó lường hiện tại.
Rất nhiều các phương án đã được đề ra sau đó. Trong đó, một trong những thay đổi là việc Indonesia sẽ phải rút tên khỏi danh sách các quốc gia đăng cai. Lý do được được ra là vì nước này hiện đang là tâm dịch COVID-19 ở khu vực ĐNA. Thay vào đó, một vài cái tên khác sẽ được thay thế; và, Việt Nam là một trong những cái tên đó. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất còn yếu kém nên Việt Nam khó lòng mà cạnh tranh được với các cường quốc khác trong khu vực.
Việt Nam bỏ lỡ cơ hội đăng cai vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á
Cơ sở vật chất là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam không thể xin đăng cai các trận còn lại bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.
Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã quyết định tổ chức thi đấu tập trung 8 trận cuối bảng G tại một quốc gia vào tháng 6. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng muốn đăng cai các trận này trên sân nhà. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mong muốn của VFF không thể thực hiện được.
“Các trận đấu sẽ tổ chức ở một quốc gia vào tháng 6. AFC sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất cho tập luyện, thi đấu và tình hình dịch bệnh”; Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ.
Những tiêu chuẩn khắt khe về cơ cở vật chất phục vụ World Cup
Về cơ sở vật chất, AFC muốn có 5 khách sạn hạng sang; 5 sân tập tiêu chuẩn chia đều cho 5 đội tuyển; thêm vào đó là 2 sân vận động chất lượng cho mỗi bảng đấu. Việt Nam hiện không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Việt Nam chỉ có sân Mỹ Đình đạt tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện lớn của AFC. Các sân vận động khác như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Bình Dương, Cẩm Phả… đều chưa đạt chuẩn. Sân Cẩm Phả từng tổ chức trận play-off tranh vé đi Olympic giữa tuyển nữ Việt Nam và Australia hồi năm ngoái; nhưng sau đó xảy ra sự cố mất điện. Việc di chuyển giữa các sân bóng cũng đang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
UAE có lẽ là cái tên phù hợp nhất
Ngoài Việt Nam, Malaysia và Thái Lan muốn đăng cai vòng loại World Cup. Tuy nhiên, AFC có vẻ đang nghiêng về phía hai nước Tây Á là UAE và Qatar.
Với riêng bảng G, UAE là địa điểm tổ chức lý tưởng nhất. Nước Tây Á này mới tổ chức Asian Cup 2019. Họ sở hữu hệ thống sân vận động, sân tập và khách sạn hạng sang, được ca ngợi có chất lượng tương đương châu Âu. Qatar cũng có các điều kiện tương tự khi nước này đang chuẩn bị cho World Cup diễn ra năm sau.
Lý do thứ hai, AFC muốn các đội tuyển không phải cách ly. Các tuyển thủ âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được tập luyện, thi đấu luôn. Trong khi đó, quy định của Bộ Y tế Việt Nam là cách ly 14 ngày khi nhập cảnh. Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang có diễn biến mới.
Địa điểm tổ chức bảng G vòng loại World Cup dự kiến được công bố ngày 15/3. UAE nhiều khả năng tổ chức 8 trận cuối cùng của bảng này.
Nguồn: baohagiang.vn